Công nghệ tái chế tấm ván nhựa từ rác thải

Công nghệ tái chế tấm ván nhựa từ rác thải

(06/12/2021 - Lượt xem: 563)

 Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, các DN ngành nhựa, đặc biệt là lĩnh vực nhựa tái chế phải có các giải pháp công nghệ - kỹ thuật thân thiện môi trường trong tái chế tái sử dụng, hoặc tạo sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy khi đưa ra thị trường.

    Để giải quyết bài toán trên, sau nhiều tháng triển khai, lắp đặt công nghệ tái chế tấm ván nhựa của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 (Công ty Thanh Tùng 2) được chuyển giao từ Công ty Reform CHLB Đức đã cho ra đời sản phẩm ván nhựa chất lượng cao, thân thiên môi trườngKết quả phân tích và thử nghiệm các thông số, yêu cầu về xây dựng, độ an toàn… đều đạt các tiêu chuẩn về môi trường. Nhân dịp này, Tạp chí có cuộc trao đổi với ông Bùi Xuân Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Thanh Tùng 2 về việc đầu tư công nghệ mới nhằm biến “rác thải thành tài nguyên” mang lại hiệu quả kinh tế và BVMT.

Ông Bùi Xuân Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Thanh Tùng 2

 

 

GÐ Cty ReForm ( CHLB Đức)   hòan thành chuyển giao công nghệ cho Công ty Thanh Tùng 2

 

    PV: Là một Công ty chuyên về lĩnh vực tái chế, xử lý, vận chuyển chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp và dịch vụ tư vấn môi trường… những năm qua, Công ty đã có những giải pháp gì để biến “rác thải thành tài nguyên”?

    Ông Bùi Xuân Hùng: Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 đã được Bộ TN&MT cấp phép thu gom xử lý và tái chế chất thải công nghiệp và nguy hại từ năm 2012. Trong 9 năm qua, chúng tôi không ngừng tìm tòi, học hỏi và sáng tạo để đưa công nghệ tái chế chất thải áp dụng vào thực tế của Nhà máy. Các công nghệ tái chế hiện có như: Tái chế linh kiện điện tử, thu hồi tái chế xe máy hết niên hạn sử dụng, tái chế nhớt thải, tái chế dung môi thải, tái chế bao bì thùng phuy...

    Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường thực hiện theo Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ TN&MT phát động, là một đơn vị xử lý và tái chế chất thải, chúng tôi luôn trăn trở và giành nhiều thời gian vào nghiên cứu theo hướng tái chế hoàn toàn chất thải nhựa thu gom từ các chủ nguồn thải về nhà máy. Với mục tiêu tìm kiếm, triển khai các giải pháp phù hợp nhằm tăng cường tái chế chất thải nhựa, góp phần BVMT và giảm thiểu những tác hại từ chất thải nhựa đối với môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.


Nguyên liệu đầu vào sản xuất

    PV: Được biết, vừa qua, cùng chung tay BVMT, hạn chế sử dụng chất thải nhựa, tăng cường tái chế các loại rác thải nhựa... Công ty Thanh Tùng 2 đã áp dụng và lựa chọn được công nghệ Reform ép rác thải nhựa thành tấm ván nhựa theo nguyên lý gia nhiệt. Ông có thể giới thiệu sơ qua về quy trình sản xuất của công nghệ này?

    Ông Bùi Xuân Hùng: Chúng tôi đã hợp tác với Công ty TNHH Evergreen Social Ventures để nhượng quyền công nghệ Reform của CHLB Đức về ép rác thải nhựa thành tấm ván nhựa và đến nay đã cho sản xuất thành công tấm ván nhựa có kích thước theo quy chuẩn của tấm ván ép ngoài thị trường, độ dày dao động từ 5mm đến 15mm theo yêu cầu của khách hàng.

    Về công nghệ sản xuất, căn cứ vào nhiệt độ nóng chảy của từng loại nhựa, sau khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm sẽ đưa ra công thức phối trộn một số thành phần nhựa thải lại với nhau, sau đó đưa qua máy ép nóng với nhiệt độ tương thích sẽ cho ra sản phẩm tấm ván nhựa với nhiều màu sắc và hoa văn khác nhau theo yêu cầu của khách hàng.

  

Kiểm tra độ an toàn của sản phẩm

    PV: Ông có thể chia sẻ về những tính năng, hiệu quả của công nghệ này so với sản phẩm cùng loại trên thị trường hiện nay?

    Ông Bùi Xuân Hùng: Thực tế công nghệ này đã có từ lâu ở các nước phát triển. Xu thế hiện nay của các nước Châu Âu (khách hàng tiềm năng) đang dần chuyển sang sử dụng vật liệu này cho các công trình như: bàn ghế công viên, hồ bơi, thùng chứa rác ở các nơi công cộng ngoài trời, hay các đồ trang trí nội thất như: tủ giày dép, thùng rác, ghế sopha... ở các khách sạn, siêu thị, trường học... Sỡ dĩ các nước phát triển sử dụng sản phẩm này do có ưu thế hơn với các sản phẩm cùng loại trên thị trường có thể kể đến:

    Thứ nhất, sử dụng sản phẩm tấm ván nhựa sẽ góp phần BVMT trong công cuộc chống rác thải nhựa, đồng thời hạn chế khai thác tài nguyên rừng để sản xuất các sản phẩm tương tự.

    Thứ hai, độ bền cơ học của sản phẩm nhựa cao, tuổi thọ cũng cao hơn tấm ván ép gỗ.

    Thứ ba, màu sắc mẫu mã đa dạng, dễ thiết kế tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường.   

    Thứ tư, giá thành thấp (do tận thu từ chất thải) nên có thể đáp ứng được cho các công trình xã hội hóa như: vách ngăn cho nhà ở người có thu nhập thấp, bàn ghế học sinh cho trẻ em vùng xâu vùng xa, các thùng rác công cộng...

Sản phẩm bàn ghế từ ván nhựa tái chế

    PV: Để sản phẩm lan rộng ra cộng đồng và cả xã hội, ông có đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan chức năng?

    Ông Bùi Xuân Hùng: Hiện nay, sản phẩm đã có mặt ở Việt Nam tuy nhiên người dân chưa được tiếp cận nhiều nên chưa sử dụng.

    Trong tương lai chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác thu gom và tái chế chất thải nhựa để nâng công suất và sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác để mở rộng mô hình này ra các địa phương khác.

    Với mong muốn đưa sản phẩm ra thị trường và đến tay người tiêu dùng trong nước, nên chúng tôi rất mong các cơ quan, ban ngành liên quan có chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp, cũng như giới thiệu để các địa phương ưu tiên chọn, sự dụng tấm ván nhựa để góp phần BVMT.

    ​PV: Trân trọng cảm ơn ông.

 

Nguồn: tapchimoitruong.vn

Các bản tin khác

Scroll