Nước ngầm không xử lý dễ bị nhiễm Asen
(25/10/2019 - Lượt xem: 1258)
Khoảng 1/4 số hộ gia đình sử dụng trực tiếp nước ngầm không xử lý ở ngoại thành Hà Nội bị ô nhiễm Asen, tập trung nhiều ở huyện Thanh Trì và Gia Lâm. Tình trạng nhiễm độc Asen lâu ngày có thể gây ung thư hoặc hoặc viêm răng, khớp…
Đó là số liệu được đưa ra trong dự án nghiên cứu về phân bố asen (As) trong đất và nước ở Hà Nội, do Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp) thực hiện, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố vừa nghiệm thu.
Theo tiêu chuẩn mới công bố năm 2002 của Bộ Y tế, hàm lượng As trong nước ăn uống sinh hoạt nhỏ hơn 0,01 mg/l là đạt yêu cầu, so với tiêu chuẩn cũ là 0,05 mg/l. Nếu căn cứ theo tiêu chuẩn này, thì nước mặt trên địa bàn thành phố (ao hồ, sông ngòi…) bị ô nhiễm không đáng kể. Gần 96% trong tổng số 96 mẫu phân tích đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, do toàn bộ nước sinh hoạt của Hà Nội lấy từ nước ngầm, nên việc đánh giá hàm lượng As trong nước ngầm mới có tính chất quyết định.
Kết quả điều tra hơn 3.000 hộ gia đình cho thấy, ở nội thành Hà Nội, phần lớn các gia đình sử dụng nguồn nước sạch từ hệ thống cấp nước của thành phố. Loại nước này đã được xử lý nên đảm bảo chất lượng cho ăn uống sinh hoạt. Ở ngoại thành, những nơi có trạm cấp nước tập trung, nguồn nước bị nhiễm As cũng không đáng kể. Song đáng lo ngại là những gia đình sử dụng giếng khoan qua hệ thống xử lý đơn giản tại gia đình (tỷ lệ nhiễm As khoảng 5%) hoặc không qua xử lý (nhiễm 26%).
Hiện ở Việt Nam chưa phát hiện loại bệnh nào có liên quan đến asen, song theo nhiều nghiên cứu của thế giới, người uống nước ô nhiễm asen lâu ngày sẽ có triệu chứng đầu tiên như có các đốm sẫm màu trên thân thể hay đầu các chi, đôi khi gây niêm mạc trên lưỡi hoặc sừng hoá trên bàn tay, bàn chân. Asen có thể gây ung thư gan, phổi, bàng quang và thận, gây bệnh tim mạch, cao huyết áp…
Theo tiến sĩ Phạm Xuân Sử, chủ nhiệm đề tài, một điều đáng chú ý là mặc dù nước ngầm thô (chưa qua xử lý) lấy lên từ lòng đất ở cả nội và ngoại thành đều có tỷ lệ nhiễm As cao, song khi qua xử lý giàn mưa tại nhà máy, hoặc qua khâu xử lý đơn giản tại hộ gia đình (mục đích để loại bỏ sắt), đa số các mẫu đều đạt tiêu chuẩn asen cho phép.
Chẳng hạn, trong số 71 mẫu nước ngầm thô được phân tích, chỉ có 50% giếng có hàm lượng As nhỏ hơn 0,01 mg/l, nhưng sau khi qua xử lý tại trạm cấp nước tập trung, trên 81% mẫu đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Một phần lớn mẫu còn lại ở mức nhỏ hơn 0,05 mg/l, tức là đạt tiêu chuẩn cũ trước đây và hiện nay nhiều nước vẫn đang áp dụng tiêu chuẩn này.
Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu khuyến cáo có thể tận dụng ngay công nghệ xử lý sắt trong nước ngầm hiện nay để loại bỏ asen. Các gia đình không có điều kiện dùng nước máy mà phải dùng nước giếng khoan nên xử lý nước bằng phương pháp sục khí, giàn mưa, bồn lắng, lọc…, vừa để khử sắt, vừa loại bỏ được asen trong nước.
Trước kia, đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề ô nhiễm Asen ở Hà Nội. Song nghiên cứu của Cục Thuỷ lợi là dự án điều tra có hệ thống và chi tiết nhất. Nghiên cứu đã khoanh vùng những nơi bị ô nhiễm asen trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch những dự án khai thác và sử dụng nước. Theo đó, nước ngầm tại hầu hết các quận huyện của thành phố (trừ Sóc Sơn) đều có biểu hiện ô nhiễm asen, trong đó khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao hơn là phía Nam thành phố và Gia Lâm.
Ông Đỗ Hoàng Ân, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, đề nghị các nhà nghiên cứu phân tích sâu hơn về những vùng cần hạn chế khai thác nước ngầm, và có thêm những đánh giá tại khu vực phía bắc sông Hồng (ít được đề cập trong báo cáo), cũng như đưa ra những giải pháp mạnh hơn, chi tiết hơn cho việc xử lý triệt để asen. Ông Ân cũng cho biết sẽ xem xét việc nâng cấp các nhà máy nước hiện nay để kết hợp xử lý sắt, asen, amoni…, chứ không tách thành từng hạng mục xử lý riêng, gây tốn kém.
Tham khảo thêm: thiết bị lọc nước máy nhiễm sắt, asen, mangan, Thiết bị lọc nước giếng khoan gia đình, Thiết bị lọc nước giếng khoan công nghiệp
Nguồn: Thanh tùng2